8-4-2025 3:21:59
MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI - MỪNG ĐẢNG QUANG VINH - MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 05/02/2025 - Lượt xem: 323
Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn

Ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ - 2025, kỷ niệm 655 năm Ngày mất của danh nhân Nguyễn Trung Ngạn. Trân trọng giới thiệu một vài nét về thân thế, sự nghiệp của Danh nhân.

Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn sinh năm Kỷ Sửu (1289), mất năm Canh Tuất (1370), thuở nhỏ tên là Cốt, sau đổi là Trung Ngạn, tự là Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, tổng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu (nay là thôn Hoàng Cả, thị trấn Ân Thi), lúc nhỏ nổi tiếng thông minh, được đương thời tôn vinh là “thần đồng”, Năm 12 tuổi ông đỗ Thái học sinh, năm 16 tuổi đỗ Hoàng giáp (học vị Tiến sỹ nho học) - là vị Hoàng giáp đầu tiên của nước ta và cũng là ông tổ khai khoa của làng Thổ Hoàng, vị Kinh sư đại doãn đầu tiên (chức danh người đứng đầu kinh thành Thăng Long thời Trần), làm quan tới bậc Tể tướng - đứng đầu hàng ngũ quan lại trong triều. Trải qua 5 triều vua Trần, ông đã tham chính trên mọi phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao, luật pháp, sử học ...  và trên cương vị nào ông cũng thực thi nhiệm vụ một cách mẫn cán, hết lòng vì vua, vì nước vì dân, một đại thần có tài kinh bang tế thế được xếp vào hàng Người phò tá có công lao tài đức thời Trần gồm 9 vị, cùng với Nguyễn Trung Ngạn là Trần Quang Khải, Mạc Đình Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hải, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyễn Đán…

Một người làm quan mà được các bạn đồng liêu, nhất là người bạn đồng liêu ấy lại là Trần Nguyên Đán - một vị tôn thất họ Trần, một nhân cách lớn thời Trần mạt ca ngợi là Sáng rực như sao Bắc Đẩu, cao vòi vọi như núi Thái Sơn thì đủ thấy Nguyễn Trung Ngạn có uy tín chính trị lớn đến chừng nào thời bấy giờ!

Khuôn viên Di tích Đền thờ Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, thôn Hoàng Cả, Thị trấn Ân Thi

 Ông được vua Trần bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng: Năm 1312 lúc 24 tuổi ông được bổ làm Gián quan. Triều vua Trần Minh Tông, ông được trọng dụng, từng đi sứ nhà Nguyên. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại bài thơ tự thuật của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn được Dịch nghĩa như sau:

"Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu,

Có chí nuốt trâu từ niên thiếu,

Tuổi mới mười hai Thái học sinh.

Vừa đến mười sáu dự Đình thí,

Hai mươi bốn tuổi làm quan Gián,

Hai mươi sáu tuổi sứ Yên Kinh"

Năm 1312 ông được thăng Ngự sử đài Thị Ngự sử, Thông phán châu Viêm Lãng. Sau đó về Kinh giữ chức Thiêm tri Thánh từ cung sự (là cung của Thượng hoàng). Ở đây, ông đã giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, nổi tiếng là người giỏi về chính sự. Năm 1332, ông được cử giữ chức Tri thẩm hình viện, kiêm An phủ sứ Thanh Hoá. Ông lập ra Bình doãn đường để xét xử ngục tụng, làm việc nghiêm minh, công bằng vì thế không ai bị xử oan hoặc bị xử quá mức, người đời ví ông như Bao Công.

Mùa xuân năm 1334, Thượng hoàng Trần Minh Tông đem quân đi đánh  Ai Lao, ông được cử làm Phát vận sứ Thanh Hóa, chuyển lương đi trước. Thanh thế quân ta lừng lẫy, quân giặc nghe tin đã bỏ chạy. Thượng hoàng sai ông mài núi đá khắc bia ghi công trạng mà sau này gọi là Bia Ma Nhai (Ma nhai kỷ công bi văn) ở núi Thành Nam (nay thuộc địa phận thôn Tiến Thành, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An). Năm 2011, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng “Bia Ma Nhai” là di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Khả năng quân sự của Nguyễn Trung Ngạn được biểu hiện rõ nét ở công việc tổ chức và quản lĩnh cấm quân. Năm 1342, ông giữ chức Hành khiển tri Khu mật viện sự. Cấm quân là lực lượng quân đội đặc biệt làm nhiệm vụ bảo vệ vùng cung cấm tức khu cấm thành, bảo đảm sự an toàn của nhà vua, triều đình, hoàng gia. Việc nhà vua giao lực lượng cấm quân cho Nguyễn Trung Ngạn không những chứng tỏ niềm tin cậy lòng trung thành mà cả khả năng quân sự của ông.

Ông còn được bổ làm An phủ sứ Nghệ An, kiêm việc chép quốc sử. Đồng thời, được giao làm Tào vận sứ lộ Khoái Châu. Ông có sáng kiến lập kho chứa thóc để chẩn cấp cho dân nghèo đói được vua khen thưởng rồi xuống chiếu truyền cho các lộ khác cũng làm như vậy.

Mùa xuân năm 1341,  Ông được triều đình triệu về kinh và giao giữ chức Đại doãn Kinh sư Thăng Long. Đây là một vinh dự lớn cho Nguyễn Trung Ngạn vì dưới triều Trần những người được cử giữ chức vụ này đều là những nhân vật danh tiếng, được triều đình hết sức tin cậy, coi trọng. Cuối năm, phụng mệnh vua Dụ Tông ông cùng với Trương Hán Siêu biên soạn bộ sách Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư. Hai tác phẩm này được xem là cơ sở pháp chế quan trọng của triều Trần.

Năm 1342, Nguyễn Trung Ngạn được phong lên chức Hành khiển tri Khu mật viện sự. Năm 1351, ông được thăng chức Nhập nội đại Hành khiển (bậc Tể tướng).

Không chỉ là nhà chính trị, ngoại giao, quân sự... Nguyễn Trung Ngạn còn là một nhà sử học, là một nhà thơ nổi tiếng. Sử sách còn ghi chép hơn 80 bài thơ, 01 bài văn bia ông để lại cho thấy Nguyễn Trung Ngạn đi vào lịch sử với vị trí một danh nhân văn hóa lớn trên nhiều lĩnh vực.

Qua những thư tịch cổ ghi chép lại, có thể thấy chân dung Nguyễn Trung Ngạn được phác họa nên với những nét đậm, nhạt khác nhau nhưng có đủ cả 3 phẩm chất của bậc chính nhân quân tử Nho giáo là Nhân - Trí - Dũng. Một tấm lòng tận trung với vua và luôn luôn ôm nỗi ưu dân ái quốc, một tài năng kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực.

Nguyễn Trung Ngạn mất năm 1370, thi hài ông được đưa về an táng tại quê hương làng Thổ Hoàng. Ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm, con cháu danh nhân Nguyễn Trung Ngạn ở khắp mọi nơi lại về làng Thổ Hoàng kính lễ tổ tiên.

Năm 2009, nhân kỷ niệm 720 năm ngày sinh Nguyễn Trung Ngạn, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Ban liên lạc UNESCO toàn quốc dòng họ Nguyễn Hiền đã tổ chức Hội thảo khoa học về Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Tại Hội thảo, tất cả các báo cáo đều nhất trí đánh giá cao về thân thế sự nghiệp và những cống hiến của ông với dân, với nước.

Ngày 22/6/2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 1435 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình  Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn. Công trình có tổng diện tích là 9.335,6m2 với các hạng mục gồm: Đền thờ, Nghi môn, Bình phong, Cổng đền, Lầu chuông-Gác trống, Tả vu - Hữu vu, Nhà bếp - Nhà thủ từ, Am hoá vàng, và các hạng mục phụ trợ. Đền được khởi công vào ngày 22/7/2019 (tức 20 tháng 6 năm Kỷ Hợi). Công trình được hoàn thiện với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự tâm đức của các đồng chí nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ, các nhà hảo tâm cùng toàn thể Nhân dân và dòng họ.

Di tích lịch sử văn hoá đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn là một di tích có giá trị về lịch sử, là điểm đến hấp dẫn trên hành trình du lịch tâm linh của du khách thập phương, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử hào hùng của dân tộc.

Kỷ niệm 655 ngày mất của danh nhân Nguyễn Trung Ngạn là dịp để mỗi người dân thị trấn Ân Thi nói riêng, huyện Ân Thi nói chung ôn lại thân thế sự nghiệp và những cống hiến của ông với dân, với nước, từ đó khơi dậy lòng tự hào và ý thức, trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát triển những giá trị của di tích, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.

 

Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh

 

 

 

 

Tin liên quan