Tháng Tư lại về, mang theo những cảm xúc bồi hồi trong lòng những người từng đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong không khí đầy tự hào của những ngày đại thắng, chúng tôi có dịp về xã Bãi Sậy, vinh dự được gặp ba cựu chiến binh – những người đã từng bước qua khói lửa chiến tranh – lại ngồi bên nhau, kể lại những ký ức tưởng đã phủ bụi thời gian. Dù mỗi người một vị trí, một nhiệm vụ, nhưng họ đều chung một lý tưởng: góp sức giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.
.jpg)
Sinh năm 1956, ông Đinh Công Ngoạn thôn Tiên Kiều nhập ngũ tháng 8 năm 1974, khi đất nước đang chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công cuối cùng. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 324, Quân đoàn 2 – lực lượng chủ công tại chiến trường miền Trung. Đầu năm 1975, ông và đồng đội ăn Tết sớm để chuẩn bị bước vào chiến dịch Huế – Đà Nẵng. Trung đoàn 2 được giao nhiệm vụ tấn công vào ba điểm nóng: K224, 303, Núi Bông – Núi Nghệ. Với vai trò là chiến sĩ truyền đạt thông tin, ông đi cùng mũi tấn công chính, đảm bảo mệnh lệnh chỉ huy được truyền đi trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm. Sau khi Huế – Đà Nẵng được giải phóng, ngày 29/4, trung đoàn ông tiếp tục hành quân thần tốc, tiến vào chốt chặn tại Phan Thiết, ngăn chặn quân địch rút lui về phía Nam. Ông là nhân chứng sống cho những trận đánh then chốt, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nửa thế kỷ đã trôi qua, ông Ngoạn giờ đây sống bình dị giữa đời thường nhưng mỗi khi kể lại những ngày tháng ấy, ánh mắt ông vẫn rực sáng niềm tự hào: “Khi đất nước cần, chúng tôi chẳng nghĩ gì nhiều, cứ bước tới, vì sau lưng mình là Tổ quốc.”
Sinh năm 1953, ông Vũ Trọng Phụng Ấp 12 lên đường nhập ngũ vào năm 1972, khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau thời gian huấn luyện lái xe, ông được biên chế vào đơn vị C5 anh hùng của Sư đoàn 571 – lực lượng vận tải chủ lực hoạt động ở tuyến lửa Trị – Thiên.Với nhiệm vụ lái xe chở hàng, chở người, ông đã vượt qua những cung đường khốc liệt từ Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đến Khe Sanh, Đông Hà, Cam Lộ – nơi đâu cũng nhuốm màu khói lửa chiến tranh. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí với bom mìn, là sự căng thẳng tột cùng giữa sự sống và cái chết. Những đêm không ngủ, ánh đèn xe lu mờ trong màn sương pháo khói, ông vẫn lặng lẽ lái từng chuyến hàng – lúc là lương thực, khi là vũ khí, có khi là cả thương binh cần đưa ra tuyến sau. Sau Hiệp định Paris 1973, ông được điều động vào mặt trận Tây Nguyên, phối thuộc với Sư đoàn 324, trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột – bước ngoặt mở đầu cho cuộc tổng tiến công lịch sử. Ngày 26/4/1975, khi đang vận chuyển lực lượng và vũ khí cho chiến dịch Hồ Chí Minh, xe ông trúng pháo địch. Ông bị thương nặng ở đầu, may mắn sống sót nhưng trở thành thương binh hạng 3/4. Đến nay, vết thương đã lành, nhưng ký ức chiến trường vẫn luôn hiện rõ trong tâm trí người lính lái xe năm xưa. Ông nhớ lại “Khi lái xe chở thương binh ra hậu phương là tôi có nhiều cảm xúc nhất vì nhiều người bị thương rất nặng, nhiều đồng chí hi sinh ngay trên xe. Lần đó, có một đồng đội quê Ninh Giang – Hải Hưng cũ, cũng chạc tuổi tôi, sau khi lên xe được 30 – 40 phút thì máu trào ra nhiều và mất, tôi ôm anh ấy, không biết nói gì, cảm xúc nghẹn lại, sắp đến ngày chiến thắng mà chúng tôi lại phải chia xa. Cũng có khi, thương binh bị băng bó khắp người, có những đồng chí bị mất tay, chân, có người chẳng còn gì, chiến tranh thật tàn khốc, biết bao đồng chí đồng đội đã hi sinh xương máu nơi chiến trường để dành độc lập – tự do như ngày hôm nay”.
Sinh năm 1948, ông Phạm Văn Tuấn thôn Đỗ Mỹ nhập ngũ năm 1969 – là người có trình độ phổ thông nên nhanh chóng được giao làm Tiểu đội trưởng. Sau đó, ông được cử đi học tại Trường lái xe 255 (Tổng cục Hậu cần), rồi tiếp tục được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật phá bom từ trường và lái xe bọc thép tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau đó, ông tham gia vào Tiểu đội xe máy, Trung đoàn 31, Binh trạm 32 – một trong những đơn vị đặc biệt hoạt động tại tuyến Trường Sơn khu vực Việt – Lào. Nhiệm vụ của ông là lái xe bọc thép phá bom từ trường, mở đường cho các đoàn xe vận tải quân sự. Những địa danh như Văng Lu, đèo Phu Viêng, QA6, đường 9 Nam Lào... đều in dấu bánh xe và mồ hôi ông từng đổ. Ông Tuấn nhớ lại: “Vinh dự lớn nhất trong đời binh nghiệp của tôi là được lái xe bọc thép đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Đại đội 2 anh hùng ở khu vực sông Nậm Cốc. Mặc dù công việc lái xe bọc thép phá bom từ trường rất nguy hiểm, mới đầu tôi cũng rất sợ nhưng sau làm nhiều thành quen, tôi lại rất thích, ngày nào tôi cũng đi phá. Mình thấy công việc có ý nghĩa, vì bom được phá, đường thông, quân ta lại chờ hàng hóa, quân trang vào chiến trường, góp phần quan trọng cho những thắng lợi. Công sức của mình rất nhỏ bé nhưng tôi thấy rất ý nghĩa”. Sau khi ký Hiệp định Paris, ông tiếp tục lái xe chở hàng, chở quân cho Trung đoàn 21 qua khắp các chiến trường từ Pleiku, Quy Nhơn đến Tuy Hòa, Nha Trang, bán đảo Sơn Trà… cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Ba người lính – ba cuộc đời – nhưng chung một lý tưởng cao cả. Họ không màng vinh danh, không tiếc tuổi thanh xuân gửi nơi rừng núi, đạn bom, chỉ với một mong muốn giản dị: đất nước được hòa bình, nhân dân được sống yên vui. Giờ đây, khi nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất, họ vẫn gặp nhau mỗi độ tháng Tư về, nhắc lại những câu chuyện cũ.Trong ký ức dân tộc, chiến dịch Hồ Chí Minh là một mốc son chói lọi, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Và trong ký ức của những người lính năm xưa, đó là cả một tuổi trẻ, có những niềm vui, nỗi buồn nhưng vượt lên trên hết là niềm tự hào dân tộc, thiêng liêng hai chữ “Tổ quốc”./.
Nguyễn Hà