Huyện Ân Thi hiện có 52 di tích được xếp hạng trong đó có 14 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Trải qua thăng trầm, biến thiên của thời gian nhiều di tích vẫn mang trong mình dấu tích và những nét văn hóa, lịch sử, truyền thống và lối kiến trúc đặc trưng, trở thành biểu tượng, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người dân địa phương và du khách mỗ dịp thăm quan, chiêm bái.
Cùng với các di tích lịch sử khác trên địa bàn huyện Ân Thi, ai đến thôn Trà Phương xã Hồng Vân, có dịp nghé thăm di tích lịch sử Đền Trà Phương một ngôi đền không chỉ có ý nghĩa về giá trị kiến trúc, nghệ thuật mà còn có ý nghĩa về giá trị lịch sử văn hoá.
Toàn cảnh di tích lịch sử Đền Trà Phương xã Hồng Vân
Đền Trà Phương (tên nôm là đền Chè Nhang, đậu Chè) toạ lạc ở trung tâm thôn Trà Phương, xã Hồng Vân, nơi có thế đất đẹp và thoáng mát, mặt tiền quay hướng Nam. Theo tương truyền thì đền được xây dựng trên thế đất “rồng chầu, hổ phục” nên nhiều người con của quê hương thành danh trên mọi miền đất nước.
Quang cảnh phía trước Đền
Đền được xây dựng để thờ tam thánh là: thiên thần là Ngọc Hoàng thượng đế, Thái Thượng Lão quân; thờ vọng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - người có công lãnh đạo quân dân nhà Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta. Ngoài ra, đền còn thờ Thành hoàng bản thổ, gia tiên 12 dòng họ và các vị danh nhân có công lập ấp dựng làng, chống ngoại xâm.
Chính điện trong Đền Trà Phương
Thời chiến tranh ngôi đền còn là căn cứ địa cách mạng của một vùng rộng lớn thuộc phía Nam Hưng Yên, là trung tâm truyền bá cách mạng, một cơ sở giáo dục truyền thống yêu nước qua nhiều thế hệ, là nơi che dấu bảo vệ nhiều cán bộ trung ương, tỉnh, huyện về chỉ đạo kháng chiến và phục vụ nhiều hội nghị tại đền lúc bí mật cũng như lúc công khai.
Đền được khởi dựng dưới thời vua Lê Trang Tông và được trùng tu vào thời Nguyễn. Hiện nay, đền có kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc” gồm: Tiền tế, Ống muống, Hậu cung và hai dãy Giải vũ. Tiền tế được trùng tu lại vào năm Thành Thái thứ 18 (1906), toà này còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc đẹp nhất là các bộ vì nách gian trung tâm chạm các đề tài tứ quý hoá rồng, tứ linh với đường nét tinh xảo. Toà Ống muống gồm 05 gian, kết cấu dọc được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), các bộ vì được tạo tác kiểu con chồng đấu sen, các bức cốn chạm nổi đầu rồng chầu, đề tài tứ linh. Hậu cung gồm có 03 gian dài, kiến trúc đơn giản nhưng đây là hạng mục còn lưu giữ dấu tích còn lại từ khi khởi dựng đền.
Kiến trúc nghệ thuật trong Đền
Hiện nay, tại đền còn lưu giữ một số hiện vật rất có giá trị như: choé sứ, bát hương, lục bình, nhang án,…
Để tưởng nhớ đến công lao các vị thần, dân làng thường tổ chức lễ hội vào 02 dịp là ngày mồng 09 tháng 11 và mồng 08 tháng 03 âm lịch hằng năm. Trong lễ hội thường có lễ cầu phúc, cầu lộc, lễ tế nước, đốt cây bông và nhiều trò chơi dân gian. Ngày nay, lễ hội diễn ra đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo được các nghi thức truyền thống và thu hút đông đảo nhân dân, khách thập phương tham gia. Theo phong tục của làng cứ ngày 8/3 người dân Trà Phương đi xa ở đâu tới ngày ngày vào đám cúng trở về đền thắp hương cầu phúc lộc và vui chơi nên có câu:
"Bao giờ mồng 8 tháng 3
Cho làng vào đám, cho ta xem chèo"
Từ những giá trị vốn có, đền Trà Phương được xếp hạng là di tích “Lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật” cấp Quốc gia theo Quyết định số 68-VH/QĐ ngày 29/1/1993 của Bộ Văn hóa- Thông tin (Nguồn: Ban Biên tập Cổng Thông tin Đảng bộ huyện)